Trúc báo bình an

| Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Văn của Công tử Hoan Hỉ có cái tĩnh rất đặc trưng, mang phong vị cổ xưa. Có lẽ vì vậy mà Công tử viết cổ phong hay hơn là văn hiện đại (dù ta cũng thích “Này những phong hoa tuyết nguyệt” đến chết đi được). Đọc truyện của Công tử cứ như thấy hiện ra không khí mờ mờ ảo ảo, tuy vậy lại không có cảm giác xa vời không với tới được. “Trúc báo bình an” rất đặc trưng cho điều này. Vì là đoản văn, nên cốt truyện càng không  rõ ràng như những truyện dài khác, chỉ là những nét chấm phá nhẹ nhàng về cảnh, về người, về tình, thoang thoảng như một bức phong thủy. Biểu tình của Vân Viễn không thật rõ nét, hầu hết do người bên cạnh chỉ ra, vui cũng vậy, mà buồn cũng vậy, mong nhớ tương tư tức giận bối rối thật khó biết được cho đến tận cùng, cứ nhàn nhạt thản nhiên.

Ngõ trúc, trà quán, lãng tử y sam lam sắc, trong tâm trí của ta, “Trúc báo bình an” luôn hiện lên với màu xanh, không giống màu nâu nhạt đất núi của “Báo ân kí”, cũng không còn cái đơn sơ đời thường của dân quê như thế mà đã có sự thanh tao tinh khiết của giới văn sĩ. Xa rời đất bụi, nhưng không quá cao vời trang nghiêm, vẫn có cái đạm bạc bên chén trà nhỏ và con ngõ lặng lẽ. Có trúc, có trà, có cái văn nhã, nhưng không có cái u nhã. Mặc dù Vân Viễn có nói đến mối tình bất thành với Sử đại nhân, vì người đó mà đến đây, vì người đó mà ở lại, nhưng tịnh không thấy được nỗi bi ai quá lớn. Có lẽ vì lúc này Giang Mộ đã xuất hiện. Giang Mộ, con người như cơn gió ùa vào ngõ trúc tĩnh lặng, ùa vào cuộc đời Vân Viễn. Ngõ trúc vẫn thanh bình yên ả, Vân Viễn vẫn ôn nhu điềm đạm, nhưng cái ngõ nhỏ này đã thêm phần sống động, cũng như Vân chưởng quỹ đã có thêm sinh khí. Ánh mắt của hắn, nụ cười của hắn, ranh mãnh của hắn, ôn nhu của hắn, tất cả như cơn gió thổi qua làm gợn sóng trên mặt chén trà và trong lòng Vân Viễn.
Đọc “Trúc báo bình an” không còn chỉ cảm thấy mát dịu như “Sa lạp, Sa lậu” mà là mát rượi. Như sắc xanh của lá, như nước trà trong veo thấy đáy, như gió luồn qua bụi trúc, như tiếng rì rào êm êm vẳng lại, như mối tình chớm nở e lệ ngượng ngùng. Lúc Sử đại nhân xuất hiện, tưởng như sóng lớn sẽ tuôn trào xóa đi tất cả, nhưng hóa ra chỉ còn lại sự nuối tiếc nhẹ nhàng. Chỉ khi cái người sơn thanh thủy lục ấy biến mất, mới thấy nhớ quay quắt, nhớ đến điệu cười tà mị đa tình của lãng tử, bộ dáng làm nũng như tiểu hài nhi, thần tình biếng nhác hả hê như con mèo nhỏ, trong lòng vừa ấm áp, lại đã thấy đắng lạnh cho một ngõ trúc bình an không thể giữ chân người. Khi hắn trở về, có vui đấy mà cũng có giận đấy. Một Vân chưởng quỹ luôn an nhiên tự tại lại nổi giận đuổi người, thật đáng ngạc nhiên. Chỉ hắn mới biết vậy là trái tim của người đã hoàn toàn ở bên hắn rồi. Ngõ trúc nhiệt náo, nhưng không thiếu kín đáo, thanh lãnh, nhưng không kém ngọt ngào, tựa như câu chuyện tình ấm áp, đáng yêu vậy.
Thường thì đoản văn ngắn, nên nội dung không thật đặc sắc mới lạ, cái hay chủ yếu dựa vào giọng văn và sức gợi. Nếu vậy, “Trúc báo bình an” hoàn toàn xứng đáng là một đoản văn hay, vì câu chuyện có không khí thật gợi cảm, kết thúc mà dư vị còn đọng mãi, như một chén trà ngọt át đi vệt đắng dịu, mang lại cảm giác thư thái hạnh phúc.
Dĩ nhiên đọc được truyện hay, ngoài do tác giả, còn một phần rất lớn công của người edit. Ta rất thích giọng văn của bạn Ái Vũ, chuyển tải được hết cái hồn tinh tế trong văn Công tử. Vậy là đã biết thêm một người dịch văn Công tử thành công, bên cạnh bạn Xuân Miên. Rất chờ mong các bạn ra tay nghĩa hiệp edit thật nhiều cho độc giả như ta thỏa cơn đói khát.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Next Prev
▲Top▲